Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng đất Chín Rồng, nằm ở bờ Bắc con sông Tiền tươi đẹp, trù phú, quanh năm chở nặng phù sa và tôm cá. Tiền Giang, cùng với Bến Tre, nằm ở vị trí đầu cầu giáp biển, án ngữ cửa sông (cửa Soài Rạp). Nói khác đi, Tiền Giang (và Bến Tre) là nơi dòng sông Cửu Long chảy qua trước khi ra biển, và là nơi đầu cầu từ đại dương vào sông, để rồi ngược lên xa hơn trong vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Địa hình tỉnh Tiền Giang hoàn toàn là đồng bằng, chia làm 3 vùng khá rõ, là: Vùng cây trái ven bờ bắc sông Tiền, Vùng Đồng Tháp Mười, Vùng ven biển Gò Công.
Lịch sử hình thành mảnh đất Nam Bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng là lịch sử khai hoang lập ấp, gắn sức mạnh vật chất với sức mạnh tinh thần của các cộng đồng dân cư có mặt trên dải đất này. Theo các tư liệu lịch sử, từ thế kỷ XVII (khoảng năm 1679), những lưu dân người Việt đầu tiên đã đến khai thác vùng đất Mỹ Tho thuộc Tiền Giang ngày nay. Cùng với thời gian, sự đoàn kết, tinh thần dũng cảm và đức tính cần cù, chịu khó của các dân tộc Việt, Hoa, Khmer,… đã biến vùng đất sình lầy, ma thiêng nước độc này trở thành vùng đất xum xuê cây trái, đẹp, nên thơ lãng mạn, mượt mà và quyến rũ như một cô gái vào độ xuân xanh với tên gọi Mỹ Tho – “Người con gái đẹp” (Mỹ Tho có nguồn gốc phiên âm từ tiếng Khmer là M’Tho, có nghĩa là “Người con gái đẹp”); Bắt dải đất ven bờ Bắc sông Tiền đất đai mầu mỡ phì nhiêu cho hoa thơm, trái ngọt: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Long Cổ Cò, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, dưa hấu và sơ ri Gò Công, khóm (dứa) Tân Lập,… “Ruộng vườn màu mỡ, thóc gạo chứa chan”, Tiền Giang là một trong những vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ dũng cảm, cần cù trong lao động, người dân Tiền Giang còn anh dũng, bất khuất chiến đấu chống lại các kẻ thù xâm lược, dù chúng đến từ đâu để bảo vệ quê hương, giữ gìn những thành quả lao động của mình. Tấm gương yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của Thủ Khoa Huân, Trương Định, của ông Đuốc, ông Long, ông Rồng, ông Thận – 4 anh hùng kiệt hiệt,… trong kháng chiến chống Pháp; của những Lê Thị Hồng Gấm, Trừ Văn Thố,… trong kháng chiến chống Mỹ còn soi sáng đến hôm nay và muôn sau. Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút của quân đội Tây Sơn trong đó có đóng góp rất lớn của nhân dân Tiền Giang dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược; Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2/1/1963 của 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương và dân quân du kích xã Tân Phú và xã Châu Thành đập tan cuộc càn quét qui mô của trên 2.000 quân Mỹ – ngụy và nhiều máy bay, xe tăng và tầu chiến, bẻ gãy chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” của quân Mỹ;… mãi mãi là niềm tự hào không chỉ của quân và dân Tiền Giang, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc ta; đồng thời là lời cảnh tỉnh cho các thế lực phản động có âm mưu xâm chiếm nước ta.
Trải qua hơn ba thế kỷ, người Tiền Giang, ngoài việc đào mương lên liếp, thau chua, rửa mặn, trồng lúa, đánh bắt hải sản, nhằm biến một vùng đất hoang vu, hiểm trở, vô chủ thành một vùng đất rợp mát mầu xanh, trù phú; ngoài việc đánh giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập tự do và phẩm giá con người; còn tạo dựng cho vùng đất Tiền Giang một nền văn hóa truyền thống giàu sắc thái riêng mà vẫn đậm đà bản sắc Nam Bộ – Việt Nam.
Về văn hóa phi vật thể:
Tiền Giang, có nhiều điệu dân ca, truyền bá đi rất xa. Có thể kể đến các điệu hò: Hò Cai Lậy, Hò Bản đờn, Hò cấy Gò Công,…Hò Cai Lậy (còn gọi Hò đồng) phát triển mạnh ở khu vực phía Bắc, các xã ven Đồng Tháp Mười, nơi cư trú chủ yếu cư dân trồng lúa nước. Hò Cai Lậy có đặc điểm khá độc đáo là nó được cách tân từ làn điệu hò Mái dài, có nguồn gốc từ miền Trung. Về tiết tấu, có sự khác biệt giữa Hò cấy Gò Công, hò mái ngắn của giới thương hồ vùng Bánh Tét (Châu Thành) hay điệu hò ở Ba Tri (Bến Tre).
Tiền Giang vinh dự là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử, vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới (2014).
Cho đến nay, Tiền Giang còn bảo lưu được 17 lễ hội dân gian, trong đó tiêu biểu là các lễ hội:
– Lễ hội Vàm Láng: là lễ hội nghinh Ông / cá Voi diễn ra ngày 9-10/3 âm lịch tại chùa Ông (thờ cá Voi) của ngư dân 2 xã Vàm Láng và Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông. Sau lễ nghinh Ông/cốt cá voi cử hành từ rạch Vàm Láng tiến ra sông Xoài Rạp rồi quay về, đưa Ông/cốt cá voi về thờ ở chùa Ông, dân làng và du khách tổ chức ăn uống, vui chơi biểu diễn đàn ca tài tử.
– Lễ hội Tứ Kiệt: Lễ hội tưởng niệm 4 vị anh hùng / Tứ Kiệt là ông Đuốc, ông Long, ông Rồng, ông Thận, đã đứng lên chống thực dân Pháp, sau đó các ông bị giặc bắt và hành quyết. Lễ hội diễn ra vào các ngày 15-16/8 âm lịch tại mộ của 4 ông gọi là Lăng Tứ Kiệt ở xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy. Tương truyền, các vị rất linh thiêng, cầu thành tất ứng. Nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự lễ hội rất đông. Sau lễ dâng hương tưởng niệm là đến các tiết mục sinh hoạt văn nghệ và các trò vui dân gian.
– Lễ hội đình Vĩnh Bình: là lễ hội kỳ yên lớn nhất của tỉnh Tiền Giang diễn ra trong các ngày 14-16-2 âm lịch ở đình Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.
Về văn hóa ẩm thực: Nếu Hà Nội tự hào có món Phở, Huế tự hào có món Bún bò, Quảng Nam tự hào có món Mì Quảng,…thì Mỹ Tho tự hào có món Hủ tiếu Mỹ Tho. Chưa hết, Tiền Giang còn nhiều món ngon nữa, như: Mắm tôm Chà, Bánh giá chợ Rồng,…
Tiền Giang có nhiều tôn giáo, như: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Hòa hảo, Cao đài,…Phật giáo Tiền Giang có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, như: Chùa Vĩnh Tràng, chùa Linh Thứu, chùa Hội Thọ,…
Về văn hóa vật thể:
Tiền Giang có 21 di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích đang hút mạnh khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, như:
– Di tích khảo cổ Văn hóa Óc Eo ở Gò Thành thuộc xã Tân Thuận, huyện Chợ Gạo. Các hiện vật tìm thấy là các pho tượng quý như Vinus, Nagasa, Nam thần, cùng nhiều hiện vật bằng đồng, vàng, gốm,… có niên đại từ đầu thế kỷ I – VI sau công nguyên. Đây là di tích đặc biệt quan trọng, có giá trị trong việc nghiên cứu về nền văn hóa Phù Nam tại tỉnh Tiền Giang nói riêng, vùng đất Nam Bộ nói chung. Di tích Văn hóa Óc Eo Gò Thành đã được xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
– Chùa Vĩnh Tràng, là ngôi chùa lớn nhất tỉnh Tiền Giang, thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho. Chùa tọa lạc trên khuôn viên có nhiều cây cảnh đẹp, rộng hơn 2.000m2. Chùa được xây dựng đầu thế kỷ XIX, sau được trùng tu, mở rộng nhiều lần. Năm 1907, chùa được trùng tu lớn, kiến trúc pha trộn phong cách châu Á và châu Âu. Sự kết hợp hai phong cách kiến trúc đã tạo cho ngôi chùa mang vẻ đẹp lạ, lộng lẫy, bởi những hàng đá hoa rực rỡ, với những bộ cột, những bức hoành được chạm khắc công phu, phản ánh bàn tay tài hoa của những người thợ Tiền Giang cách đây hơn 100 năm. Trong Phật điện có 60 pho tượng bằng gỗ quí, đặc biệt là bộ tượng Thập bát La Hán được tạc vào năm 1907 là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng vùng đồng bằng sông Cửu Long.
– Chùa Linh Thứu, tọa lạc gần chợ Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành. Chùa dựng vào thế kỷ XVIII, đến năm 1811, vua Gia Long đổi tên là chùa Long Tuyền. Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên thành chùa Linh Thứu như ngày nay. Chùa đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần.
– Chùa Hội Thọ, tọa lạc ở ấp Mỹ Hưng, huyện Cái Bè. Chùa được lập sau khi Pháp chiếm Gia Định. Trong chiến tranh, chùa bị hư hỏng hoàn toàn. Ngôi chùa hiện này được xây dựng năm 1982, sau đó được trùng tu nhiều lần. Trong chùa hiện lưu giữ nhiều tượng Phật bằng gỗ rất có giá trị.
– Chùa Thanh Trước: chùa dựng năm 1826, tại ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công. Hiện chùa còn giữ được một số hiện vật quí, như: tượng đức Phật, chân dung tổ Tỳnidalưuchi và tháp tổ ở khuôn viên chùa.
– Đình Long Hưng: thuộc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, là di tích lịch sử cách mạng. Đình được chọn làm nơi đặt đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), cũng là nơi treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của vùng đất Nam Bộ. Chính quyền cách mạng tỉnh Tiền Giang ra đời tại nơi này.
– Đình Tân Hiệp: được xây dựng năm 1851, tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành. Đây là công trình kiến trúc có qui mô lớn với những mảng chạm khắc bên trong mang đậm nét truyền thống văn hóa địa phương. Đặc biệt, đình Tân Hiệp còn lưu giữ hai bức hoành phi đã đoạt giải Nhất trong cuộc đấu xảo tại Paris (Pháp) năm 1923. Đình còn là cơ sở cách mạng những năm 1940-1954.
– Di tích Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (thời Tây Sơn) thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Mùa xuân năm 1785, Nguyễn Huệ dùng thế trận lòng dân, sông nước, thủy triều, dụ địch rồi đánh một trận lớn chưa từng có trên sông nước Nam Bộ, tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược do Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) cầu viện. Người Xiêm sau trận đại bại tại đây, “ngoài miệng tuy nói khoác nhưng trong lòng sợ Tây Sơn như sợ cọp”. Chúng gọi Nguyễn Huệ là “Tướng nhà Trời”. Trận Rạch Gầm – Xoài Mút là một cống hiến vĩ đại, một sáng tạo thể hiện chiến tranh nhân dân của Nguyễn Huệ trong nghệ thuật thủy chiến Việt Nam.
– Mỹ Tho Đại phố: là khu thương mại cổ được hình thành từ năm 1679 và đến năm 1791 được xây dựng lại, hiện nằm trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, phường 2 và phường 8, TP Mỹ Tho. Khu thương mại này do người Việt và người Minh Hương (người Hoa) lập nên và là một trong 3 trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc đó, là: Mỹ Tho đại phố, Cù Lao phố (Biên Hòa, Đồng Nai) và Hà Tiên.
– Mộ Thủ Khoa Huân ở ấp Hóa Quới, xã Tịnh Hào, huyện Chợ Gạo. Thủ Khoa Huân (1830 – 1875), tên thật là Nguyễn Hữu Huân, sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả tại xã Mỹ Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông đỗ Thủ khoa (nên gọi là Thủ Khoa Huân), được chính quyền nhà Nguyễn bổ làm quan Đốc học ở huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang). Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông từ quan (năm 1863), liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống Pháp cùng nghĩa quân của Trương Định. Khi Trương Định thất thủ, ông kéo quân về An Giang hoạt động chống Pháp với Võ Duy Dương. Trong 15 năm hoạt động, ba lần bị giặc Pháp bắt (trong đó có lần bị đày sang Nam Mỹ), song cứ mỗi lần được thả về, ông lại tiếp tục khởi binh chống Pháp tại Mỹ Tho. Ông đã nêu cao lòng yêu nước và khí phách anh hùng. Lần thứ ba, bị gặc bắt, ông không chịu đầu hàng theo lời dụ dỗ của địch nên bị chúng xử tử. Khi ông bị địch đóng gông đưa về quê ông ở Mỹ Tịnh An để hành quyết, trước giờ vĩnh biệt, ông ứng khẩu đọc một bài thơ “Mang gông” dũng liệt, trong đó có 4 câu:
“Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cang thường há phải gông!
Oằn oại đôi vai quân tử trúc
Nghênh ngang một cổ trượng phu tòng”.
Hiện nay, Khu Đài tưởng niệm nơi Thủ Khoa Huân bị chém và đền thờ ông ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo. Năm 1985, kỷ niệm 110 năm ngày mất của ông, tượng ông đã được dựng bên bờ Bảo Định, ở TP Mỹ Tho bên sông Tiền.
– Khu di tích lịch sử về Trương Định: gồm lăng, phần mộ và đền thờ Trương Định tọa lạc trong nội ô thị xã Gò Công. Trương Định (1820 – 1864) sinh ở Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông là Trương Tầm giữ chức Lãnh binh tỉnh Gia Định. Ông theo cha vào Nam và lấy vợ là người Tân An, tỉnh Định Tường (Tiền Giang) và ở luôn quê vợ. Sau khi cha mất, ông xuất của nhà, mộ dân nghèo khai hoang lập ấp ở huyện Tân Hòa (nay là thị xã Gò Công). Khi Pháp chiếm thành Gia Định (2/1859), ông đưa cơ binh gia nhập quân triều đình chống Pháp. Tháng 2 năm 1861, sau khi Chí Hòa thất thủ, ông đưa quân về Tân Hòa và chiêu mộ thêm quân sĩ, tổ chức đánh Pháp ở Gò Công. Khi triều đình Huế giao ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp, ông khước từ lệnh của triều định, nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái do nhân dân phong, lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, bất tuân lệnh triều đình, làm cho Pháp nhiều trận thất điên bát đảo. Vua dụ hàng, không nghe. Do sự phản bội của Huỳnh Công Tấn, ông bị giặc vây chặt. Quyết không để rơi vào tay giặc, ngày 20/8/1864, ông đã dùng gươm tử tiết để bảo toàn thanh danh người anh hùng. Năm đó ông mới 44 tuổi. Nhân dân đã chôn cất ông tại thị xã Gò Công. Mộ ông được xây bằng đá ong với hồ ô dước, trên diện tích 67m2.
Lăng Trương Định là di tích lịch sử kiến trúc mộ táng tiêu biểu của người Việt Nam Bộ. Hiện, Khu di tích lăng mộ Trương Định tọa lạc nội ô thị xã Gò Công. Để tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân Gò Công tổ chức trọng thể Lễ giỗ kỷ niệm ngày ông tuẫn tiết từ ngày 19 – 20/8 dương lịch hàng năm
– Di tích Lũy Pháo đài Trương Định thuộc xã Phú Đông, thị xã Gò Công. Thành lũy này do chính Trương Công Định cùng nhân dân xây dựng để tổ chức đánh Pháp, góp phần vào chiến thắng trong các trận Cửa Khâu – Trại Cá vào những năm 1852-1863. Đồn lũy được xây dựng trên một địa hình đặc biệt: mặt Đông là biển cả, có bãi bồi lớn nên tầu lớn không thể cập sát được, lại có rặng cây che khuất. Mặt Bắc là dòng sông Cửa Tiểu, có đập đá phòng ngự, trên bờ gắn liền với thành ngoài, là nơi đặt súng thần công. Mặt Tây có Rạch Đồn và sình lầy, rừng rậm. Mặt Nam là một dãy trại dài nối liền lũy đất cát làm phòng tuyến dày đặc những chà là, sình lầy gai góc. Riêng thành đồn Pháo Đài được kiến trúc rất kiên cố, chân móng là đá ong, đá xanh cao khoảng 8m, rộng từ 3,5m đến 4,5m. Mặt thành rộng từ 1,8m đến 2,5m. Bốn phía có các cổng, vọng gác, rào chắn. Phần giữa đồn có kho vũ khí, giếng nước và vọng lầu chỉ huy. Thành đắp theo hình lục lăng. Đá hàn sông do các ghe thuyền chở từ Biên Hòa về rồi đục thủng cho chìm xuống, do vậy mới không bị dòng nước cuốn đi và còn tồn tại đến nay. Lũy Pháo đài thể hiện hùng hồn khí phách kiên cường giữ nước, bảo vệ quê hương của nhân dân Nam Bộ trong ngày đầu chống Pháp của nhân dân Nam Bộ.
– Lăng Hoàng gia và khu mộ và nhà thờ đức Quốc công Phạm Đăng Hưng ở Gò Rùa, xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Phạm Đăng Hưng là vị quan có tài, đức được vua Minh Mạng nể trọng, kết thông gia. Con trai Phạm Đăng Hưng là Phạm Đăng Thuật lấy công chúa của vua Minh Mạng. Con gái Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ) lấy vua Thiệu Trị, sinh ra vua Tự Đức. Lăng Hoàng gia tọa lạc trên diện tích gần 3000m2, là một di tích lịch sử – kiến trúc được xây dựng từ năm 1826, mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn và nghệ thuật chạm khắc truyền thống Gò Công. Tại Lăng còn nhiều bia đá ghi lại một thời lịch sử đã qua của vùng đất miền Tây Nam Bộ. Lăng nằm cách thị xã Gò Công 2,5km.
– Di tích Chiến thắng Ấp Bắc thuộc ấp Tân Bình, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy. Ngày 2/1/1963, nơi đây đã xảy ra một trận đánh nổi tiếng giữa quân Giải phóng và quân Mỹ – ngụy. Quân Giải phóng gồm 2 tiểu đoàn 261 và 514 của bộ đội địa phương dùng dân quân du kích xã Tân Phú và xã Châu Thành đã đập tan cuộc càn quét qui mô của trên 2.000 quân Mỹ – ngụy và nhiều máy bay, xe tăng và tầu chiến. Chiến thắng Ấp Bắc đã bẻ gãy chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ và kế hoạch dồn dân lập “Ấp chiến lược” của Mỹ – ngụy.
Trên 300 năm qua, di sản văn hóa truyền thống Tiền Giang, cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể đã được các thế hệ người Tiền Giang trao truyền, giữ gìn và phát huy, đưa tới những thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Tiền Giang thời gian qua. Di sản văn hóa truyền thống đó vẫn in sâu trong cuộc sống hiện đại, nhất là qua Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ. Đến Tiền Giang hôm nay, ta sẽ cảm nhận được bên cạnh “Người con gái đẹp” – Mỹ Tho, còn có nhiều vùng nông thôn ở Tiền Giang đã trở thành “Người con gái đẹp” quyến rũ, mời mọc du khách gần xa.