Về Gò Công: Thăm viếng bao dấu xưa...

26/08/2024 273 0
Mảnh đất Gò Công khá bé nhỏ so với cái bao la “cò bay thẳng cánh”của đồng bằng Nam Bộ.

“Gò Công có biển Tân Thành / Có lăng Trương Định có gò Sơn Qui…”

Mảnh đất Gò Công khá bé nhỏ so với cái bao la “cò bay thẳng cánh”của đồng bằng Nam Bộ. Diện tích toàn thể xứ Gò Công xưa chỉ khoảng 58.000 ha ( trong khi riêng đất của ông bá hộ Trần Trinh Trạch - cha công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đã là 180.000 ha!Nhưng, “nhỏ mà có võ”, đất Gò Công từ thời Pháp đã là “đất Hoàng triều cương thổ”, trải qua 2 cuộc kháng chiến nơi đây khá yên ổn,không là chiến trường máu lửa nên không bị hề hấn chi!

Nằm cách Sài Gòn không xa, chỉ khoảng 50 cây số nếu đi đường Tỉnh lộ 50 qua Cần Giuộc nên Gò Công sẽ là điểm đến khá gần để thăm thú thắng cảnh và di tích lịch sử, là điểm son để …check in cho những chuyến du lịch ngắn ngày, bởi vừa có di tích, có vườn trái cây, có biển...

Viếng đền Trương Định, thăm nhà đốc phủ Hải, gò Sơn Qui…

Trương Định (Trương Công Định) sinh năm 1820, người xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, nay thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trương Định là con của quan Thuỷ Vệ Uý Trương Cầm, tỉnh Gia Định. Năm 1844 Trương Định theo cha vào Nam và cưới vợ là bà Lê Thị Thưởng con một nhà hào phú ở làng Tân Phước, huyện Tân Hoà, khi cha mất Trương Định ở luôn quê vợ Tân Hoà.

Năm 1854, hưởng ứng chính dsách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay và được bổ chức Phó Quản Cơ của đồn điền. Trong thời gian khẩn hoang Trương Định đã gặp và cưới bà Trần Thị Sanh là anh em con cô con cậu với bà Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức).

Khách thập phương đến viếng đền anh hùng Trương Định ở Gò Công

 

Ngày 18/8/2024, đoàn Famtrip gồm các đơn vị du lịch lữ hành Tp.HCM  và báo chí nghiêng mình mặc niệm vị anh hùng dân tộc Trương Công Định tại Gò Công

 

Tháng 4/1861, thực dân Pháp chiếm thành Định Tường, Tháng 11/1861 chiếm thành Biên Hòa và đến tháng 3/1862, giặc Pháp tấn công chiếm thành Vĩnh Long. Triều đình ký hòa ước "Nhâm tuất" vào ngày 5/6/1862 cắt 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Tiếp đó, triều đình ra lệnh cho Trương Định bãi binh, phong làm Lãnh binh An Hà, buộc phải bãi binh ở Tân Hoà và gấp rút nhận chức mới ở An Giang. Nhưng lòng dân và nghĩa quân không chịu, trong lúc đang lưỡng lự giữa ý dân và lệnh vua chưa biết ngã về đâu thì Ông nhận được thư của nghĩa hào huyện Tân Long (Chợ Lớn), tỏ ý muốn cử Ông làm chủ soái 3 tỉnh để giết giặc. Cảm kích sự tính nhiệm của những người yêu nước và nhân dân, Ông đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu "Bình Tây Đại Nguyên Soái" do nhân dân phong, tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp.

Khi giặc mở cuộc bao vây đánh úp căn cứ nầy. Thoát được cuộc bố ráp truy kích của giặc ở Lý Nhơn, Trương Định trở về Đám lá tối trời, một mặt Ông xây dựng lại lực lượng và kêu gọi các sĩ phu yêu nước hãy đứng lên góp công góp sức, hiến kế đánh giặc, đó là hịch tháng 8/1864. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Ông khắp nơi một làn sóng kháng chiến lại nổi lên ở Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Chợ lớn và vùng giáp ranh Biên Hoà làm cho giặc Pháp hoang mang và càng ra sức truy tìm để diệt Ông.

Đêm 19/8/1864, dò biết nơi ở của Trương Định, tên phản bội Huỳnh Công Tấn cho quân bao vây đột nhập vào nhà. Trương Định và những nghĩa quân của ông chiến đấu chống trả quyết liệt, diệt được một số quân địch, nhưng lại bị thương nặng, biết mình không sống được và quyết không để rơi vào tay giặc, Ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng, năm ấy ông tròn 44 tuổi.

Sau khi Trương Định mất vào ngày 20/8/1864, bà Trần Thị Sanh là người vợ thứ của Trương Định và nhân dân mang Ông về an táng rất trọng thể, tại một địa điểm nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ và đền thờ Ông được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay.

Ngoài mộ và đền thờ tại thị xã Gò Công, nhân dân còn lập một đền thờ tại xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông, nơi được gọi là "Đám lá tối trời" mà Trương Định và nghĩa quân từng làm căn cứ chống Pháp để thờ Ông.

Di tích mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 30/8/1987. Còn đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004.

Nhà đốc phủ Hải

Tòa nhà nằm ở trung tâm thành phố Gò Công, tọa lạc ở số 49 đường Hai Bà Trưng,[phường 1,được xây từ khoảng năm 1860.Tòa nhà ban đầu được xây có hình chữ đinh gồm ba gian lợp lá, sau đó được lợp ngói âm dương. Người cho xây dựng và sinh sống tại đây là bà Trần Thị Sanh vợ thứ Trương Định. Sau khi Trương Định tuẫn tiết nên bà Sanh vào chùa quy y, nhà chuyển sang sở hữu của con gái là Dương Thị Hương và con rể Huỳnh Đình Ngươn, là tri huyện Trường Bình. Từ năm 1880 đến 1885 thì tòa nhà được sửa chữa lại.Nhà thường được gọi là nhà Ba Huyện.

Mặt trước dinh thự Đốc phủ Hải

 

Gian chính của dinh thự

Về sau tòa nhà chuyển sang sở hữu của người con gái vợ chồng Ba Huyện là Huỳnh Thị Diệu và con rể là Nguyễn Văn Hải, lúc đó làm chức Đốc phủ sứ. Vì vậy tòa nhà được gọi là Nhà Đốc phủ Hải. Tòa nhà được sửa chữa lại một lần nữa.

Dù xây dựng đã hơn 160 năm nhưng nhà này đến nay ( được trùng tu) vẫn còn khá nguyên vẹn từ gian nhà chính, nhà phụ đến lẫm lúa. Nhà hiện thuộc quyền sở hữu của nhà nước.


Dinh thự với lối kiến trúc Pháp- Việt là nơi check in lý tưởng cho khách thập phương...

Gò Kim Qui, đất phát tích của dòng họ Phạm và quê hương của hai hoàng hậu nhà Nguyễn.

Lăng Hoàng gia được xây dựng năm 1826, gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng,

Lăng Hoàng gia được xây dựng năm 1826, gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ), vợ vua Thiệu Trị, lăng nằm cách trung tâm thị xã khoảng 2km.

Đền thờ ông Phạm Đăng Hưng

Vào cuối thế kỹ thứ XVI ông Phạm Đăng Long (cha ông Phạm Đăng Hưng) theo cha vào vùng Gò Công, là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích. Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Qui), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Qui nên quy tập mồ mả 3 đời về đây và xây nhà ở gò đất này.

Giếng cổ có nước ngọt ở gò Sơn Qui- đất phát tích của dòng họ Phạm Đăng hiện còn trong khu lăng mộ Phạm Đăng Hưng

Ông Phạm Đăng Hưng là con thứ 3 của ông Phạm Đăng Long, sinh ra tại Gò Sơn Qui, vào năm 1764 (nay là ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX Gò Công - Tiền Giang). Ông là người thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, được triều đình bổ làm Lễ sinh ở Phủ, sau đó được thăng Lại bộ Tham tri. Đến năm 1824 được sắc phong Lễ bộ Thượng thư, năm 1825 ông được giao phó giữ kinh thành Huế. Mùa hạ năm 1825, Phạm Đăng Hưng thọ bệnh và mất, linh cửu được đưa về quê hương, an táng tại Gò Sơn Qui. Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy phong Tước Đức Quốc công.

Ông có 4 người con làm quan to trong triều Nguyễn. Vua Minh Mạng kết thông gia gả công chúa cho con trai ông là Phạm Đăng Thuật và phong chức Phò mã Đô úy. Vua Minh Mạng cũng cưới con gái của ông là Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ) cho Hoàng tử Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị. Lăng được xây dựng do ông Phạm Đăng Tá, con trai trưởng của Phạm Đăng Hưng xây dựng trên phần đất rộng 3.000 m2, ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng. Các nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế được đưa vào cùng với nghệ nhân địa phương xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách cung đình. Năm 1849, khi vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc công đã cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình. Vào từ đường, chúng ta thấy nơi chính vị thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng; bên trái thờ Phước An hầu Phạm Đăng Long, là cha của Phạm Đăng Hưng; bên phải thờ Bình Thạnh bá Phạm Đăng Dinh; căn chót bên trái thờ Mỵ Khánh tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng và bên phải thờ Thiềm sự phủ Phạm Đăng Khoa, là ông sơ Phạm Đăng Hưng.

Đoàn famtrip báo chí và lữ hành Tp.HCM  tham quan mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng

Mộ Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa. Mộ xây theo kiểu kiểu dáng "đỉnh trụ" hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen. Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân. "Ngũ đại thành xương - Tường lân ống hiện" (Năm đời danh giá tốt đẹp - Điềm lành kỳ lân hiện ra ). Vòng quanh mộ ông có

Ngày 2/12/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Khu lăng mộ Hoàng gia là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia...

Gò Công cũng còn đất phát tích của dòng họ Nguyễn Hữu và Lê Phát, quê quán của hoàng hậu Nam Phương.

Ngắm biển Tân Thành

Biển Tân Thành hay còn có tên gọi khác là biển Gò Công, là một địa danh thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Khác so với những bãi biển thường thấy, biển Tân Thành Gò Công tạo nên điểm nhấn với du khách bởi bãi cát đen trải dài khoảng 7km, cùng với đó là vị trí du lịch thuận lợi có thể thúc đẩy và phát triển nền kinh tế cho tỉnh Tiền Giang. Khu vực này còn là nơi tồn tại nhiều loại hải sản khác nhau phục vụ cho khách du lịch thưởng thức và cảm nhận hương vị của gió biển...

 

Du lịch Gò Công còn có thể đến thăm các vườn như sơ ri , táo, thanh long...

Trái cây Gò Công

BTV

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu