Điều đầu tiên, đoàn khách thích thú khi được lên thuyền bồng bềnh trên những dòng sông xanh mát, được nghe những làn điệu dân ca, những bài vọng cổ mượt mà, sâu lắng. Du khách thêm ấn tượng khi được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị vùng sông nước Cửu Long từ các loại mắm, rau, cá...
Nhớ lại thuở ban đầu khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới làm du lịch sinh thái, khách khắp nơi đổ về đều muốn đi thăm vườn, hái trái cây, bồng bềnh với sông nước. Nhưng nay, du lịch miệt vườn cần thay đổi để thu hút khách với nhu cầu mới, tinh túy hơn, sâu lắng hơn.
Du khách hiện nay đều mong muốn thăm tỉnh đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền để biết lịch sử địa lý của dòng sông, tập quán của cư dân sinh sống trên các bè nước nổi... Đi thăm dọc biên giới Việt Nam giáp Campuchia để biết được lịch sử khi đào kênh Vĩnh Tế... Họ đi thăm vùng phía Nam sông Hậu cũng muốn tìm hiểu các tỉnh nằm ở cuối nguồn để khám phá vẻ đẹp, nét văn hóa, ẩm thực của từng địa phương, thăm và khám phá văn hóa bản địa, món ăn gắn liền với vùng quê đó...
Ảnh minh họa: Toquoc.vn |
Nhưng đáp lại những mong muốn đó là sự lặp lại của loại hình du lịch sông nước, cứ lên thuyền, thăm vườn trái cây, ăn vài món ăn quen thuộc và trở về khách sạn rồi “một đi, không trở lại”.
Thể hiện rõ nhất là ở các khu du lịch sinh thái miệt vườn, thăm và được thưởng thức các loại trái cây với mong muốn “mùa nào, trái cây đó” nhưng nhiều khu du lịch chỉ lác đác vài cây ăn trái xơ xác, không có quả. Cả trăm khu du lịch miệt vườn ở ĐBSCL mà đi đâu cũng chỉ có các trò chơi như: Chèo thuyền, chạy xe đạp trên cầu, tát mương bắt cá; các món ăn cũng chỉ lẩu mắm, lẩu vịt nấu chao, cá tai tượng chiên xù, canh chua cá lóc.
Cũng chính vì sự lặp lại, rập khuôn, thiếu sáng tạo nên khách thập phương chỉ cần đến một khu du lịch, một địa phương trong vùng thì không cần phải đi đâu nữa vì tất cả hoạt động cho khách du lịch đều giống nhau. Ở Tiền Giang cũng như Hậu Giang, Cần Thơ, đâu đâu cũng miệt vườn, sông nước, phát triển du lịch sinh thái.
Vì sự giống nhau nên mấy năm gần đây, lượng khách du lịch đã đến và muốn quay trở lại không nhiều, đặc biệt lượng khách lưu trú ngày càng ít.
Nhiều doanh nghiệp phát triển du lịch trong vùng có thâm niên đã đầu tư cả công sức và tiền bạc nhằm duy trì được lượng khách do có nhiều sáng tạo, nhưng khi vừa ra một sản phẩm mới để thu hút khách du lịch thì ngay sau đó, hầu như các khu du lịch sinh thái khác cũng đều có sản phẩm đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến khách du lịch đi đâu cũng thấy “món ăn” bị lặp lại, gây nhàm chán.
Nhiều chuyên gia về văn hóa, kinh tế trong khu vực được mời dự các cuộc hội thảo, tọa đàm về phát triển du lịch ở ĐBSCL khi được hỏi về dịch vụ ở các khu du lịch sinh thái hiện nay có thu hút khách du lịch hay không đều chung quan điểm: Nếu ĐBSCL không có sự chuyển biến tích cực, không có giải pháp căn cơ phát triển du lịch trong thời gian tới thì du lịch ĐBSCL sẽ khó phát triển.
Có thể thấy, câu hỏi phát triển du lịch cho miền Tây Nam Bộ trong thời gian tới như thế nào vẫn đang được bỏ ngỏ.
NGUYỄN BÁ