Đặc điểm
Có 02 loại sơ ri: Sơ ri ngọt và sơ ri chua.
- Hình dạng bên ngoài: Quả sơ ri có dạng hình tròn, dẹt ở hai đầu, có 3 múi, vỏ quả nhẵn bóng, mỏng, mềm và rất dễ bị dập, quả chín có màu đỏ tươi.
- Thịt quả: Thịt quả có màu vàng nhạt, hạt màu trắng ngà.
- Hương vị: Sơ ri ngọt có vị ngọt và sơ ri chua có vị chua (độ Brix từ 5 - 6%).
- Trọng lượng trung bình: 4 - 6 g/quả.
- Mùa vụ:
+ Mùa thuận: Từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch.
+ Mùa nghịch: Từ tháng 12 đến tháng 4 dương lịch.
Giá trị dinh dưỡng
Trong 100g nước ép sơ ri có chứa 600 - 800 mg vitamin C. Một so sánh khá thú vị là chỉ cần một giọt nước ép của trái sơ ri là có lượng vitamin C bằng với lượng vitamin C của một quả cam, trong khi đó vitamin C tự nhiên trong trái cây được cho là tốt hơn nhiều so với vitamin C tổng hợp.
Theo USDA (United States Department of Agriculture) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhu cầu vitamin C trong một ngày của một người trưởng thành khoảng 50mg, như vậy mỗi ngày một người chỉ cần ăn 4 quả sơ ri chua hoặc 5 quả sơ ri ngọt là có dư nhu cầu vitamin C cho cơ thể.
(Nguồn: songkhoe.vnexpress.net)
Diện tích và vùng trồng
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có khoảng 269ha cây sơ ri, sản lượng có thể đạt trên 5.382 tấn/năm, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Vùng chuyên canh sơ ri tập trung tại các xã Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông, Kiểng Phước thuộc huyện Gò Công Tây và một phần thị xã Gò Công. Sơ ri Gò Công đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể số 77327 cho sản phẩm sơ ri Gò Công. Giống sơ ri ngọt dùng để ăn tươi và tiêu thụ nội địa. Giống sơ ri chua là giống đang được ưa chuộng vì có năng suất cao, có vị chua ngọt thích hợp với thị hiếu của người tiêu dùng được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản dưới hình thức sơ chế trái tươi và chế biến dưới dạng puree.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang