Món canh dưa hường mang đậm hương vị độc đáo
Ở Gò Công, dưa hấu thường được trồng trên đất giồng ven biển Tân Thành, mà dân gian hay gọi “dưa cồn Đèn Đỏ” đây là vùng đất cát pha ít phù sa. Dưa có đặc tính vỏ xanh đậm, cứng, ruột có nhiều cát, ít hạt, màu đỏ sậm, mùi thơm, vị ngọt - mặn độc đáo mà không nơi nào có được. Thường thì dưa được trồng thả cho bò trên mặt đất như khoai lang, mỗi dây nhà vườn chọn giữ lại ba trái từ gốc tính lên để làm dưa nhất, dưa nhì và dưa ba, những trái còn lại phải hái hết và đặt tên cho chúng là dưa hường. Nhà vườn thường đem dưa hường ra chợ bán trực tiếp theo mớ, đếm trái và tùy lớn nhỏ mà nói giá rất thân tình, không mang tính thương mại. Giá cả cũng thả nổi, tùy phiên chợ. "Bán hết, bán rẻ còn về nấu cơm", kiểu tiếp thị chào hàng của người nhà quê là vậy.
Dưa hường loại lớn cỡ cái chén, dùng để ăn chơi như ta ăn dưa hấu, tuy ngon, mát nhưng không được ngọt. Những người phụ nữ lớn tuổi ở thôn quê thường thích ăn cơm với dưa hường chấm cá kho mặn, tôm rang muối hoặc chấm chao. Đối với dưa hường loại nhỏ hơn, cỡ trái cam, trái quýt dùng nấu canh gọi là canh dưa hường mà hiện nay nhiều người vẫn còn ưa thích.
Canh dưa hường nguyên sơ được nấu với tôm. Con tôm phải là tôm đồng, tôm ruộng nước ngọt, chứ không phải tôm biển. Bởi con tôm biển thường có mùi tanh, nấu canh sẽ có mùi "khai khai" như mùi cá đuối không hợp với canh dưa hường. Tôm tươi lột bỏ vỏ, cẩn thận rút bỏ sợi gân máu trên lưng con tôm để loại bỏ mùi tanh. Gặp những con tôm lớn, người ta phải dùng mũi dao xẻ lưng con tôm để lấy cho được sợi gân máu. Tôm lột xong để trên thớt lấy lưỡi dao phay dần cho dập thịt hoặc giã tôm cho nhỏ. Cho tôm vào nồi, xào sơ đến khi dậy mùi thơm nêm chút nước mắm ngon, chờ cho con tôm thắm đều mới cho nước vào. Nước vừa sôi phải vớt bọt, nếu để trễ thì bọt tan làm nước canh không trong.
Dưa hường nấu canh phải được lựa cẩn thận, vì trái lớn quá có nhiều vị "ngọt đường", trái nhỏ quá không đủ ngọt và thịt "chai sượng" không phải là loại dưa cho nồi canh ngon. Phải lựa trái "don don" cỡ trái cam, trái quýt nhưng không quá già cũng không quá non.
Lựa dưa hường theo mấy người xưa là phải nhìn cuốn bởi theo kinh nghiệm "dưa già cuốn khô" và "dưa đỏ đít, cà đỏ trôn!". Dưa hường trước khi gọt vỏ phải rửa sạch và để cho ráo nước. Gọt hết vỏ, xẻ trái dưa làm đôi như xẻ trái cam, cắt từng miếng nhỏ vừa miếng ăn, sao cho miếng dưa nào cũng phải có vỏ có ruột hoặc cắt thành khoanh mỏng như cắt dưa leo ăn sống. Cho dưa hường vào nồi nước đang sôi, để lửa cao ngọn một chút chờ nồi canh sôi bùng. Dùng đũa đảo dưa từ dưới lên cho dưa được chín đều. Khác với canh bầu, canh dưa hường phải nấu cho thật chín, nếu không dưa sẽ bị nhớt và mất mùi dưa hường. Canh dưa hường nêm với hành cắt nhuyễn, chút tiêu, ăn với nước mắm trong dằm ớt nhưng không cay quá như canh nấu với cá lóc, cá rô.
Dân gian vùng Gò Công có câu ca dao: "Mẹ mong gả thiếp về vườn/Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh". Bông bí luộc là món ăn nhà vườn, đã hiếm và ngon. Dưa hường nấu canh không những là món ăn hiếm và ngon mà còn quý nữa. Bởi trái dưa hường là hiện thân của trái dưa hấu, đây không chỉ là món ăn dân dã mà còn là cái gì đó thân thương, mang hơi hám ngày Tết thiêng liêng quê hương, dân tộc.
Về Gò Công thưởng thức món canh dưa hường ấm nóng trong những ngày gió chướng se lạnh để chúng ta cảm nhận rằng, đây không chỉ là món ăn ngon, độc đáo mà còn là nét văn hóa ẩm thực tinh túy của người dân vùng Gò Công.
Lê Hồng Quân
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang.