Tiền Giang: Phát triển tiềm năng du lịch vùng phía Đông

26/09/2024 408 0
Tiền Giang không chỉ được biết đến với những vườn trái cây xanh mát, trĩu quả ở vùng phía Tây, mà còn được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt” gắn với những di tích văn hóa - lịch sử mang đậm dấu ấn đặc trưng vùng đất Nam bộ ở vùng phía Đông.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng du lịch vùng phía Đông của tỉnh.

Nhiều điểm đến, đa dạng trải nghiệm

Vùng đất Gò Công nằm ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang từ lâu được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Một trong những điểm đến đặc biệt và thu hút du khách đến với Gò Công đó là Di tích văn hóa - lịch sử Lăng Hoàng Gia ở xã Long Hưng, TP. Gò Công. Khu di tích là nơi phát tích của Thái hậu Từ Dụ.


Du khách tham quan di tích Nhà Đốc phủ Hải ở TP. Gò Công

Trong đó có khu lăng mộ, đền thờ Phạm Đăng Hưng, ông ngoại vua Tự Đức, cha của Từ Dụ thái hậu, vợ vua Thiệu Trị. Lăng mộ được xây dựng vào năm 1826 bởi bàn tay khéo léo của những người thợ địa phương, nghệ nhân cung đình nên mang dáng dấp phong cách cung đình Huế. Đến với Lăng Hoàng Gia du khách còn được tìm hiểu câu chuyện ly kỳ về bia đá ghi chép tiểu sử của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thân sinh Thái hoàng thái hậu Từ Dụ.

Cũng tại TP. Gò Công, du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử còn có thể đến Nhà Đốc phủ Hải, ở phường 2. Đây là ngôi nhà cổ có lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, được xây dựng vào năm 1860.

Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, Nhà Đốc phủ Hải vẫn còn nguyên vẹn. Đến đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến những cổ vật, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc và có thể cảm nhận cuộc sống vương giả của một gia đình Đốc phủ.

Đặc biệt, đến với vùng đất Gò Công, du khách không thể bỏ qua Di tích Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định (ở TP. Gò Công) và Đền thờ của vị anh hùng này, hay “Đám lá tối trời” (huyện Gò Công Đông) là nơi mà Trương Định và nghĩa quân từng làm căn cứ chống Pháp. Người Anh hùng dân tộc Trương Định đã trở thành “vị thần” bảo hộ cuộc sống của người dân trong vùng. 

Vì thế, Lễ tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định đều được tổ chức long trọng vào ngày 19 và 20/8 hằng năm. Đặc biệt, vừa qua, Di tích lịch sử Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, đây là cơ hội, lợi thế cho các huyện, thành phố phía Đông tỉnh Tiền Giang trong phát triển du lịch.

Ngoài các tài nguyên văn hóa, lịch sử, vùng đất Gò Công còn có lợi thế, tiềm năng du lịch thiên nhiên, sinh thái. Trong đó, Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt với diện tích 80,36 ha và với 21,2 km bờ biển được cứng hóa mặt đê, tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch cặp tuyến đê biển.

Gắn với biển Tân Thành là rừng ngập mặn, nguyên sinh, nối với cồn Ngang, Lũy Pháo Đài... có thể kết nối du lịch sinh thái vườn và biển với tour tuyến du lịch của tỉnh.

Đặc biệt, huyện Gò Công Đông còn nổi tiếng với vườn sơ ri ở 3 xã Tân Đông, Bình Nghị, Bình Ân. Trái sơ ri được thiên nhiên ưu ái ban tặng đầy đủ hương sắc mà không vùng đất nào có thể sánh được. Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mãng cầu, dưa hấu biển…

Ngoài ra, còn có nhiều điểm du lịch đã hình thành trên địa bàn huyện Gò Công Đông như vườn táo Sáu Hồi (xã Tân Thành), Trương Gia Phủ (xã Bình Nghị) và một số điểm đón khách du lịch tiềm năng như: Khu du lịch sinh thái Vườn Xanh, GocoBay trên địa bàn xã Kiểng Phước...

Giải pháp để phát triển

Có thể thấy rằng, các điểm du lịch trên địa bàn Tiền Giang nói chung và vùng phía Đông của tỉnh nói riêng đã và đang trở thành những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. Việc khai thác hợp lý hệ du lịch sinh thái vùng duyên hải kết hợp tham quan di tích văn hóa - lịch sử sẽ giúp du lịch tuyến phía Đông của tỉnh phát triển hơn trong thời gian tới.

Thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương phía Đông của tỉnh đã có nhiều giải pháp đầu tư, phát triển du lịch. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành diện tích 80,36 ha.

Qua xúc tiến đầu tư hiện nay có một số đơn vị quan tâm nghiên cứu đầu tư như: Công ty TNHH MTV Vạn Bình An (nay là Vạn Thành Công) được UBND tỉnh giao đất với tổng diện tích 212.411 m2 đã sử dụng khoảng 20.000 m2 đất ven biển để phục vụ kinh doanh du lịch.

Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (Hương Biển) được UBND tỉnh cho thuê đất với tổng diện tích hơn 37.064 m2 đã đầu tư một số hạng mục để kinh doanh phục vụ ăn uống, giải khát cho khách du lịch.

Cùng với đó, các địa phương phía Đông của tỉnh Tiền Giang thời gian qua cũng đã đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch qua các kênh trực quan, truyền hình, Internet. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Hồng Tâm, UBND huyện đã thực hiện, xúc tiến, quảng bá du lịch một cách thường xuyên thông qua các trang thông tin điện tử của huyện và cơ sở.


Du khách tham quan Lăng Hoàng Gia (ở TP. Gò Công) và nghe thuyết minh về giếng nước xưa tại đây

Cùng với đó, huyện phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình: “Món ngon phương Nam”, “Rong ruổi đất phương Nam”. Huyện còn phối hợp Saigontourist tổ chức khảo sát sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện để hình thành các tour tuyến du lịch, khai thác các thị trường trong và ngoài nước.

Du lịch ở các địa phương phía Đông của tỉnh Tiền Giang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển nhưng cần có các giải pháp phù hợp để phát huy. Theo các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các địa phương phía Đông của tỉnh Tiền Giang cần xác định loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, du lịch Tiền Giang nói chung và phía Đông của tỉnh nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển, thu hút lượng du khách đông nhưng thời gian lưu lại ngắn, chi tiêu ít, tạo nguồn thu du lịch không cao…


Khách tham quan Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông

Do đó, các địa phương phía Đông của tỉnh cần định hướng loại hình du lịch nông nghiệp, nghỉ dưỡng, thể thao, học tập… Các địa phương cần phát triển du lịch theo thế mạnh, cụ thể TP. Gò Công là dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà hàng, hoạt động ban đêm, kết nối tour tuyến trên Vàm Cỏ Tây; huyện Gò Công Đông sẽ phát triển tiềm năng du lịch thể thao, nghỉ dưỡng gắn liền với biển; huyện Gò Công Tây phát triển du lịch nông nghiêp - cộng đồng; huyện Tân Phú Đông là du lịch trên sông Tiền, nghỉ dưỡng ở các khu vực ven sông, biển và các cồn…

Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành cho rằng, khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang có nhiều lợi thế tự nhiên, tính kết nối cao khi gần TP. Hồ Chí Minh với đường sông, đường biển, đường bộ và là nơi khai thác hải sản lớn.

Vì vậy, du lịch vùng phía Đông và cả tỉnh Tiền Giang nói chung cần thay đổi tư duy mới. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, du lịch Tiền Giang nói chung cần phải có sự khác biệt tích cực. Du lịch gắn liền với trải nghiệm vườn và biển.

Các cơ quan chức năng cần phải xây dựng bản đồ du lịch, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp, lưu trú chuẩn quốc gia. Cùng với đó, công tác quảng cáo du lịch thực hiện bằng nhiều hình thức như trang trí, tranh ảnh, quà lưu niệm…

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu