Tại buổi làm việc, báo cáo với Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có Khu du lịch biển Tân Thành được phê duyệt với diện tích 80,36 ha; Khu du lịch sinh thái Gò Công Phi Long, 2 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là Vườn táo Sáu Hồi tại xã Tân Thành và Trương Gia Phủ tại xã Bình Nghị; 1 di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt và 13 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ngoài các khu vực gần bờ có tiềm năng phát triển du lịch lớn như cồn Ông Mão, khu Hàng Dương, bãi biển Tân Thành, huyện còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ phân bổ ven biển và gần các cửa sông Soài Rạp, Cửa Tiểu với nhiều hệ động - thực vật sinh sống.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, UBND huyện đã cụ thể hóa nghị quyết vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm; xây dựng các văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch từ ngân sách Trung ương, tỉnh, địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư xây dựng công trình giao thông, thiết chế văn hóa, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề…
Đồng thời, tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch của địa phương đến du khách. Qua đó, lượng khách du lịch đến biển Tân Thành ngày càng đông, chiếm trên 50% tổng lượng khách nội địa toàn tỉnh, bình quân trên 200.000 người/năm.
Tuy nhiên, song song với việc phát triển lĩnh vực du lịch biển thì cũng phát sinh việc nhiều cá nhân, tổ chức lấn chiếm mặt đê biển để kinh doanh buôn bán, các trường hợp san lấp nền cặp theo tuyến đê biển để xây dựng lều quán, nhà ở vi phạm hành lang bảo vệ đê.
Trước tình hình vi phạm trên, UBND huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, các xã có tuyến đê biển đi qua như: Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự xã thường xuyên tuần tra trên tuyến đê biển để đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho du khách.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành tỉnh trả lời những đề xuất, kiến nghị của địa phương; đồng thời, thông tin một số dự án được quy hoạch, cơ sở hạ tầng đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gò Công Đông; giải pháp bảo vệ đất công, bảo vệ rừng phòng hộ nhằm bảo vệ tuyến hành lang đê biển; phát triển du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn và đưa ra định hướng cho du lịch huyện Gò Công Đông phát triển bền vững trong thời gian tới…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Diệu khẳng định, Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành đã được mọi người biết đến từ lâu nhưng vẫn còn "ngủ yên", chưa được khai thác đúng mức, đúng tầm. Nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, giải khát thực hiện việc niêm yết và bán đúng giá, khắc phục tình trạng chèo kéo khách; tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm trình trạng các hộ dân mở các dịch vụ kinh doanh lấn chiếm hành lang đê…
Tăng cường mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại khu du lịch; liên kết các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành những tour du lịch…
Với đầy đủ những yếu tố tiềm năng và điều kiện đặc trưng hiếm có, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin trưởng rằng, biển Gò Công sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng với những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần đưa huyện Gò Công Đông phát triển bền vững.
Trước đó, Đoàn công tác UBND tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Gò Công Đông có chuyến khảo sát tình hình quản lý mặt đê biển tại tuyến đê biển Gò Công.
Nguồn: Báo Ấp Bắc