Song hành Tết cổ truyền và du lịch

17/11/2022 484 2
Tết cổ truyền có rất nhiều tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt dành cho đông đảo du khách trong và ngoài nước. Để hướng tới xây dựng và phát huy mô hình này, thời điểm hiện tại và thậm chí từ sớm hơn, rất cần khảo sát, nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến với thời lượng, chương trình phù hợp. Từ đó có thể tạo ra nhiều “gói” du lịch Tết đa dạng, sinh động ở các vùng miền, địa phương khác nhau. Việc này sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa văn hóa, tăng thêm nguồn lợi từ du lịch, từ các hoạt động lễ hội cổ truyền.
Lễ hội truyền thống đầu xuân là dịp thu hút du khách các vùng miền. Ảnh: QUANG HƯNG

1/ Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa, nhân văn, đậm đà bản sắc của người Việt. Từ bao đời nay, dù ai đi ngược về xuôi hay bôn ba xứ người đều háo hức, nóng lòng trở về với quê hương, với nguồn cội khi tiết xuân ấm áp len lỏi khắp đất trời, cội mai vàng rực rỡ bên hiên nhà. Đó là khoảng thời gian con người như xích lại gần nhau hơn, tận hưởng và hết mình trong mối giao hòa tuyệt diệu của đất trời, vạn vật, cỏ cây.

Nhưng hiện nay, đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu thỏa mãn trải nghiệm tinh thần, hiểu biết, thưởng thức, nghỉ ngơi… của con người càng lớn, nên, Tết không chỉ để trở về mà còn cùng nhau đi. Nhiều gia đình, bạn bè, cơ quan,… đã tổ chức đi du lịch trong những ngày nghỉ Tết. Cần thấy rằng, đi ở đây, thực chất, cũng là trở về. Đi giúp con người nhân thêm tình yêu nguồn cội, cảm nhận những đặc sắc của giá trị truyền thống và tự làm đẹp cái tâm, cái đức của mình.

Vì thế, tác động qua lại giữa Tết cổ truyền và hoạt động kinh doanh du lịch là cần thiết. Mối quan hệ này góp phần thúc đẩy tính đa dạng của loại hình du lịch văn hóa, trong đó, có sự hòa quyện với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá,...

2/ Có thể nói, không ở đâu có sức sống và sự phong phú về lễ hội cổ truyền như dân tộc ta. Nước ta có gần 8.000 lễ hội. Bên cạnh lễ hội truyền thống còn có lễ hội mới gắn với các sự kiện lịch sử hiện đại, cách mạng; lễ hội sự kiện gắn với du lịch quảng bá du lịch, lễ hội nhân kỷ niệm những năm chẵn thành lập thành phố, tỉnh, huyện...

Lễ hội truyền thống có số lượng nhiều nhất, phân bố rộng cả nông thôn, đô thị, vùng núi. Riêng tháng Giêng, ước tính khoảng 40 lễ hội diễn ra trên khắp đất nước như lễ hội đền Đức Thánh Trần, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội gò Đống Đa, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội cầu an bản Mường, lễ hội Yên Tử, hội Lim… Tham gia lễ hội xuân, mỗi người được dự phần một cách thoải mái trong hai vai diễn, từ khán giả trở thành diễn viên, từ diễn viên trở lại khán giả. Đó là những giây phút con người được tự do vui chơi, ăn uống, thư giãn, thăm thú, mua sắm, cầu mong…

Xét về thời gian nghỉ lễ của nước ta, Tết cổ truyền chiếm số ngày nghỉ nhiều hơn cả. Đây là điều kiện thuận lợi để con người được nghỉ ngơi, tái tạo nguồn năng lượng và hiện thực hóa nhu cầu đi du lịch của mình. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong bầu không khí toàn cầu hóa, trong sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, trong sự đổi thay không ngừng của thế giới, dù Tết cổ truyền là kho tàng văn hóa, là tài sản tinh thần của người Việt, nhưng ngay cả người nước ngoài cũng khao khát tìm hiểu, khám phá và tận hưởng. Nên, việc đầu tư phát triển du lịch trong dịp Tết cổ truyền là một chính sách hợp lý, thiết thực và lâu dài.

3/ Tuy nhiên, để song hành hai mặt, vừa phát triển du lịch vừa gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Việt, ngành du lịch phải có chiến lược dài hạn, khai thác làm sao để tạo được hiệu quả cao, thu hút du khách. Các nhà kinh doanh du lịch phải ý thức được vị thế, vai trò của mình, là người đứng giữa, kết nối Tết cổ truyền với du khách. Khi cuộc kết nối này diễn ra trên cơ sở tương hỗ, hiệu ứng, chất lượng, thì Tết cổ truyền mới thật sự là nguồn tài nguyên vô giá của du lịch.

Mỗi vùng miền đều có không gian văn hóa lễ hội cổ truyền riêng, đậm dấu ấn đất và người nơi đó, hình thành nên đặc trưng độc đáo của dải đất chữ S. Đây là một lợi thế để các nhà kinh doanh du lịch đa dạng mô hình du lịch, phát huy, quảng bá nguồn tài nguyên du lịch, đưa Tết đến gần hơn với mọi nhà, rút ngắn khoảng cách về địa lý, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán.

Bên cạnh việc khai thác du lịch văn hóa, nhà kinh doanh cần quan tâm, đề cao đến văn hóa du lịch, bảo đảm mô hình du lịch văn hóa nhân văn, tạo được sân chơi lành mạnh, an toàn, thân thiện, bổ ích, ấn tượng. Làm được như vậy thì nguồn tài nguyên đồ sộ của Tết cổ truyền sẽ không bị đóng băng và không gây cảm giác nhàm chán. Du khách trong và ngoài nước đến với Tết cổ truyền trong nỗi niềm háo hức và luôn mong mỏi được quay lại, được trải nghiệm thêm nhiều lần nữa.

4/ Trong bối cảnh hội nhập kinh tế diễn ra trên quy mô lớn, Tết cổ truyền luôn là sản phẩm văn hóa biệt lạ, hấp dẫn, là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với ngành du lịch. Mô hình du lịch văn hóa này sẽ tạo nên thế mạnh, chỗ đứng riêng của người Việt. Thông qua hoạt động kinh doanh du lịch, Tết cổ truyền trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt, thú vị mà du khách có thể cảm nhận bằng mọi giác quan, có thể thấy giá trị truyền thống hiện hữu sống động trong các lễ hội và có thể mang ký ức văn hóa về nhà của mình.

Ngược lại, thông qua lễ hội ngày Tết, hoạt động kinh doanh du lịch mở rộng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước và bồi đắp những giá trị nhân văn, nhân bản. Cho nên, dù con tạo có xoay vần thế nào, việc giữ gìn, phát huy, khai thác tiềm năng vốn có của văn hóa Tết cổ truyền không chỉ thuộc về ngành du lịch mà còn thuộc về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam.

Nhu cầu đi du lịch của con người cùng với sự phong phú của lễ hội xuân sẽ góp phần kích cầu du lịch, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

(Theo nhandan.vn)

Related Post

Sample Plan